
Phan Thuận An
Cần phục hồi kiến trúc Điện Cần Chánh trong Hoàng Cung Huế / Phan Thuận An // Sông hương. - 1998. // Số tháng 5 tr.62.
Thông tin chi tiết
Tóm tắt : | Điện Cần Chánh là một công trình kiến trúc bằng gỗ khá lớn và rất quan trọng trong Tử Cấm Thành. Hầu hết 13 vua triều Nguyễn (1802 - 1945) đều đã làm việc hàng ngày trong tòa nhà này. Nó được xây dựng 2 năm sau khi triều đại được thành lập (4/1804) và bị phá hủy cũng 2 năm sau khi triều đại chấm dứt (2/1947). Điện Cần Chánh nằm ở giữa một hệ thống cung điện được nhà Nguyễn gọi là Cung Càn Thành ăn từ Đại Cung Môn vào đến Điện Càn Thành và gồm cả Tả Vu, Hữu Vu, Điện Văn Minh, Điện Võ Hiển, Đông Các...Công trình kiến trúc này được tu bổ vào những thời điểm chính: Năm 1811 dưới thời Gia Long; Năm 1827 và năm 1831 dưới thời Minh Mạng; Năm 1850 dưới thời Tự Đức; năm 1899 dưới thời Thành Thái; năm 1923 thời Khải Định, bộ sườn gỗ lim được sơn son thiếp vàng. Điện Cần Chánh mang thức (module) kiến trúc chung của loại cung điện Huế. Đây là một tòa nhà kép, gồm hai bộ mái của tiền doanh (nhà trước) và chính doanh (nhà sau) nối liền với nhau bằng bộ phận kiến trúc thứ ba là trần thừa lưu. Cả ba thành phần ấy đều được kết cấu lại để tạo ra một không gian nội thất chung. Về nghệ thuật kiến trúc, trang trí nội thất và sự bài trí các bảo vật, đây là ngôi điện đẹp nhất trong Tử Cấm Thành. So với qui mô kiến trúc của Điện Thái Hòa thì Điện Cần Chánh lớn bằng khoảng 9/10. Phục hồi Điện Cần Chánh, cần phải phục hồi Đại Cung Môn và các dãy hành lang chung quanh Sân Thường Triều, vì tất cả đều nằm trong một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh. |